Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Thánh Rôbertô Bellarminô (1542 - 1621)

Mến tặng anh Nhân mừng ngày Bổn Mạng 17.9 của anh. Nguyện chúc anh và gia đình sẽ luôn nhận được nhiều Hồng Ân Chúa!


Thánh Rôbertô Bellarminô sinh ngày 4 tháng 10 năm 1452 tại Montepulcianô, cha Ngài là Vinconzo Bellarminô, mẹ Ngài là Cynthia Cervini, là em Đức giáo hoàng Marcellô II. Ngay khi còn là một học sinh tại trường các cha dòng Tên, Ngài đã tỏ ra thông minh đặc biệt. Cha Ngài đã định cho Ngài theo học y khoa. Dầu vậy, năm 1560, Ngài xin gia nhập dòng Tên và đã được cha mẹ ưng thuận.

Theo học triết tại Rôma, Ngài đã tỏ ra là một học sinh nổi bật. Từ Rôma, Ngài được gởi đi dạy học trong các trường của dòng Tên trong 4 năm tại Florence và Modevi. Lúc này, Ngài đã thông thạo tiếng Hy Lạp và được chỉ định dạy cho các bạn cùng lớp. Dầu chưa làm Linh Mục, Ngài thường được mời đi giảng và được coi như là nhà giảng thuyết bẩm sinh. Ngài học thần học trước hết ở Padua, rồi sau ở Louvain và thụ phong Linh Mục tại đây năm 1570. Các bài giảng của Ngài tại Louvain mang lại thành công đặc biệt. Anh em Tin Lành tại Anh cũng tìm đến nghe Ngài và nhiều người đã trở lại. Với dáng nhỏ bé, Ngài thường đứng trên ghế đẩu từ bục giảng.

Là giáo sư thần học tại Louvain, Ngài rất mộ mến các tác phẩm của thánh Tôma. Trong các bài diễn thuyết, Ngài đã chống lại một cách hữu hiệu nhưng đầy tình thương với các giáo thuyết khơi nguồn cho thuyết Giansenisme sau này. Thánh Robertô cũng thúc đẩy các sinh viên học tiếng Do thái và đã soạn cho họ một cuốn văn phạm ngắn gọn. Ngài đọc nhiều về các giáo phụ và các văn sĩ khác trong Giáo hội, một nỗ lực còn ghi lại trong tác phẩm “về các văn sĩ trong Giáo hội” (xb năm 1623).

Sau thời kỳ ở Louvain, Ngài được trao phó thi hành một công việc khó khăn là làm giáo sư phụ trách các cuộc tranh luận tại Rôma. Các cha dòng Tên đã tổ chức việc diễn giảng này nhằm trả lời bằng ngôn ngữ thời đại đối với các cuộc tấn công của anh em tin lành. Suốt 11 năm, thánh Robertô đã nỗ lực cho công cuộc này với sự thành công rực rỡ. Nhiều sinh viên của Ngài đã trở thành thừa sai tại Anh và tại Đức. Một số người đã đổ máu vì đức tin tại Anh. Các bài diễn thuyết của Ngài được xuất bản lần đầu tại Ingolstudt, từ năm 1586 - 1593 dưới tựa đề “các cuộc tranh luận về đức tin công giáo chống lại các người theo lạc giáo thời nay”. Có 20 ấn bản khi Ngài còn sống và nhiều ấn bản sau này nữa. Đây là một công trình bảo vệ đức tin đầy đủ nhất của Giáo hội có được và suốt ba thế kỷ liền nó là áo giáp cho các nhà giảng thuyết và các văn sĩ.

Những trách vụ khác thánh Robertô đảm nhận thời kỳ này là tu chỉnh tác phẩm chú giải của Salmeron, một bạn dòng, làm việc trong ủy ban tu chỉnh nghi thức phụng vụ Rôma và bản Kinh thánh phổ thông. Ngài cũng góp phần lớn cho Đức Sixtô V trong việc ấn hành các tác phẩm của thánh Ambrosiô.

Với vai trò thần học gia của Đức Hồng y Goetni, vị đặc sứ của Đức giáo hoàng tại Pháp năm 1589, thánh Robertô chứng tỏ rằng: Ngài là một nhà ngoại giao lẫn một học giả có khả năng. Việc đại diện tại Paris thật nặng nhọc. Nhưng thử thách lớn lao nhất lại đến từ một phía khác. Đức Giáo Hoàng Sixtô V quyết định đặt cuốn I trong bộ những cuộc tranh luận vào sổ sách bị cấm. Đức Giáo Hoàng không bằng lòng với chủ trương của thánh Robertô, cho rằng uy quyền của Giáo Hoàng trực tiếp trong các vấn đề vật chất, và nếu có thì chỉ qua uy tín tinh thần mà thôi. Chủ trương này đã trở nên thông thường trong Giáo hội ngày nay. Nhưng Đức Sixtô đã qua đời và Đấng kế vị Ngài đã rút lại quyết định. Dầu bị thử thách nhưng thánh Robertô đã góp phần vào ấn bản Kinh thánh thời Đức Sixtô và đã viết tựa cho ấn bản cũ được vạch ra với một tinh thần bác ái.

Thánh Robertô liên tiếp làm Cha tinh thần và viện trưởng của học viện Rôma, rồi làm bề trên tỉnh dòng Naples. Tại Rôma, Ngài hướng dẫn một thánh trẻ dòng Tên là Luy Gonzaga. Tại Naples, chính Ngài được một cha dòng Tên khác là thánh Bernadiô Realinô sau này gọi là thánh. Bị ép buộc nhận chức Hồng y năm 1599, từ đó Ngài lo các việc cho toàn thể Hội Thánh, chẳng hạn như vụ án Galilêô và cuộc tranh luận về ơn thánh giữa các cha dòng Đaminh và dòng Tên.

Ngài làm Tổng giám mục Capua trong ba năm, rồi chấm dứt những ngày hạnh phúc ấy vào năm 1605, khi Ngài được triệu về Rôma và cầm viết bênh vực Giáo hội. Liên tiếp Ngài dàn xếp với Fra Sarpi miền Venice, với vua Giacôbê I nước Anh và với văn sĩ Pháp Guillaume Barchony.

Thánh Robertô qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1621, được phong thánh năm 1928 và được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.
(http://gxvuonchuoi.net/Home/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1148) 

Trên tay có đá

"Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8,7)

Một bài viết hay của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đăng trên Tuổi Trẻ. Cuộc sống bon chen, mệt mỏi với cơm áo gạo tiền, với những bất công đầy rẫy xung quanh làm cho con người nhìn đâu cũng thấy có cớ để sẵn lòng "ném đá" và nhìn đâu cũng thấy ai đó có sẵn đá trên tay. Có điều, khi nghĩ ai đó đang cầm đá trên tay là mình đã đang cầm trên tay một hòn đá rồi...


Trên tay có đá - Nguyễn Ngọc Tư

Trên một ngọn núi cao lêu đêu đứng khều mây, có ông thầy. Lần đầu tới chơi, thầy kêu bỏ mấy cục đá xuống cho rảnh tay múc giùm ta gàu nước. Bạn cãi ủa con có cầm đá gì đâu. Thầy cười, khi nãy con định ném đá cho bể đầu ông xe ôm dưới chân núi mà.

Tại thằng cha đó lấy tiền công mắc quá, mới chạng vạng mà tính giá gấp đôi lúc ban ngày, bạn ngoay cái miệng phân trần. Thầy lại cười, mấy chục ngàn đó cũng còn rẻ, vì chở con là chở theo một đống đá, nặng lắm chớ đâu phải chơi.

Giọng thầy không có chút cà rỡn nào, làm bạn ngờ ngợ ngờ ngợ ngờ ngợ miết. Không nén được, bạn xòe tay ra coi và thật kỳ lạ, bạn thấy trên tay mình thiệt tình là có đá. Thiệt tình là bạn đang lăm le chực chờ ném vào người khác, giống hệt cái cách người đời hăng hái ném nhau.

Bạn về nhà rồi, chuyện mấy cục đá cũng lẽo đẽo theo về, đeo bám dai dẳng. Đôi khi bạn bĩu môi lườm nguýt ai đó, mắng xiên chửi xéo ai đó... mà thấy rõ ràng là mình vừa ném đá vào người ta. Đôi khi viết một đoạn chữ mà thấy lổn nhổn nặng nề như đá. Đôi khi chỉ nói nửa câu mà thấy người nọ rúm ró vì đau. Ném đi rồi thấy sướng phút đó, hể hả phút đó nhưng dường như người không nhẹ bớt, vì cục đá thiên hạ ném trả bạn nhặt lấy mang theo bên mình, rình chờ cơ hội chọi lại.

Những hòn đá đó không bao giờ rơi xuống đất, bởi không người này cất thì người kia cũng cầm. Vì nó mà mình đau nhưng người ta vẫn giữ gìn để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ. Sách nói vậy. Sau này, bạn nghiền ngẫm sách thiền các loại, bạn nghiên cứu kinh Phật, Kinh thánh, kinh Coran...

Bạn cố không lẫn lộn giữa chê bai và lăng mạ, giữa phê bình và đạp đổ, giữa gièm pha và hạ nhục... để nếu có ném đi thì chỉ là những hòn đá con con. Thấy chưa ăn thua, bạn hay lên núi nói chuyện với ông thầy học cách làm sao bỏ đá khỏi tay. Ông thầy cười nói phải có cách nào thì ta đâu có bỏ chạy lên đây, ở một chỗ chỉ có mây và vài nhà hàng xóm. Ít người lại qua, ít va chạm, ít thị phi thì đỡ phải ném đá nhau...

Nhưng bạn ở một chỗ nào? Chỗ mà sáng sớm dừng ở đèn đỏ có kẻ chạy xe lấn đường xước cả tay bạn. Chỗ mà sáng sớm phát hiện ra chị kia thản nhiên cân thiếu. Chỗ mà sáng sớm anh cảnh sát giao thông ngoắc bạn lại kiếm tiền lót tay. Chỗ mà sáng sớm mở trang báo thấy bao nhiêu chuyện nát lòng: chó người giàu cắn chết người nghèo, mẹ ngược đãi con, chồng giày vò vợ...

Chưa hết, biển thông tin đưa bạn tới gần những sự thật, ở đâu đó người ta đào bới tận diệt thiên nhiên. Ở đâu đó có những đứa trẻ bị đẩy ra đường phơi mưa nắng kiếm tiền khi vẫn còn ẵm ngửa. Ở đâu đó có những người phụ nữ bị bán mua rẻ mạt...

Bạn nghe lửa bốc lên đầu, giận đầy ứ họng. Căm. Uất. Ngột ngạt. Nghe đá ở đâu bỗng chất oằn cả người, kẻ thủ ác mà đứng trước mặt bạn dám ném cho họ chết lắm. Nhưng đó là “ở đâu đó...”, giờ chuyện xảy ra ngay ở quê hương bạn, cách chỗ bạn chỉ hai mươi cây số. Nghe đâu, coi bản tin thấy hai vợ chồng trẻ người mà tàn ác man rợ, nhục hình tra tấn thằng nhỏ làm công mà tỉnh bơ như thở, như ăn, có một bà già quê đập bể tivi rồi xách dầm xuống xuồng bơi đi “đi đánh hai đứa ác ôn đó coi tụi nó biết đau không?”.

Như thể hết cách rồi, đá phải được đáp trả bằng đá. Bạn giận mình sao không được như bà già đó. Những cuốn sách về nghệ thuật buông bỏ, hạn chế sân hận trải rộng tình thương... đã trở nên vô nghĩa.

Không thể buông bỏ ở cái thời thế còn ngổn ngang này. Đến cha mẹ mà tàn tệ với con, không phải loạn thì là cái gì. Ông thầy trên núi gọi điện thoại xuống, nói ông coi tivi rồi. Lặng đi giây lát, ông nói “ta thấy sợ...”. Ông thầy sợ vì tôn giáo mà ông đeo đuổi làm sao cứu rỗi được người đã đánh mất chất người. Còn bạn sợ vì luật pháp làm sao cải tạo, thay đổi được người mà không phải người. Sách nói không có gì là rác hết, bạn đã từng tin vậy nhưng giờ chê sách xạo, thiệt tình.

Tội ác biết đâu nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt nhỏ nhít mà người ta không nhận ra. Cho đến một ngày...

Ngày 15.9: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

"Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (Lc 2,35)

Michelangelo's Pieta
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi xuất hiện trong thế kỷ XII, nhưng đã thấy có dấu vết từ cuối thế kỷ XI trong các bài viết của thánh Anselmô và nhiều tu sỹ Biển Đức hoặc Cisterciens.

Lễ được quảng bá ban đầu bởi các tu sĩ Cisterciens. Về sau do các tu sĩ Servites quảng bá, và phổ biến vào thế kỷ XIV và XV. Tại Cologne, lễ được cử hành lần đầu tiên năm 1423, ngày thứ sáu sau Chúa nhật thứ ba Phục sinh. Theo một sắc lệnh của công đồng tỉnh Mayence, việc thiết lập lễ Đức Mẹ sầu bi là để đền tạ những xúc phạm do những người theo phe Jean Hus gây ra đối với các ảnh tượng Mẹ.


Năm 1482, lễ được đưa vào sách lễ với tước hiệu Đức Bà trắc ẩn. Nhưng mãi đến năm 1728, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XII mới đưa vào lịch phụng vụ Roma. Bấy giờ được định vào ngày thứ sáu trước Lễ Lá. Năm 1668, vào ngày Chúa nhật sau 14 tháng chín lễ bị bãi bỏ, và lễ đã được giữ lại chung với lễ Kính Bảy sự Thương Khó Đức Bà, do các tu sỹ Servites đã đưa trước. Năm 1814, lễ được cho vào niên lịch. Sau đó, được Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1913 định vào 15 tháng chín.

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi cử hành ngay sau lễ kính Thánh giá cho thấy ý nghĩa hiển nhiên của nó. Các bức tượng Pietà, đặc trưng của nghệ thuật Gothique sau này vào thời phục hưng, cũng như một số ca vãn như Stabat Mater hoặc Les lamentations de Marie chỉ nói lên những đau khổ của Đức Mẹ dưới chân Thánh giá Chúa.
Từ thế kỷ XIV, người ta bắt đầu chiêm niệm các khổ đau khác, đã xác định là bảy: lưỡi gươm của Siméon, trốn sang Ai cập, gặp lại Con nơi Đền thờ, trên đường Canvê, đóng đinh, hạ xác, táng trong mộ. Ngày nay, lễ kính các đau khổ của Đức Maria, nói cách chung, không có thêm lễ nhớ các nỗi đớn đau của Đức Mẹ trong thời gian mùa Thương khó nữa.

Bài giảng thánh Bênađô (Phụng vụ Giờ Kinh) ca tụng sự đồng cảm lớn lao của Đức Trinh nữ Maria: “Trong sự thương khó của Đức Kitô, thực sự đã hoàn tất một tình bác ái lớn lao chưa ai từng thấy, và trong sự đồng cảm của Đức Maria thực sự đã hoàn tất một tình bác ái lớn lao không đâu bằng, ngoại trừ tình bác ái của Đức Kitô”.
= = = = = = = = = =

Đêm 15.09 trời Sài Gòn mù mịt mưa...


Giữa cơn mưa nặng hạt đó, ngay tại chân tượng Đức Mẹ ở Nhà thờ Đức Bà vẫn có nhiều ngọn nến đang cháy, đứng xung quanh là những người con sùng kính đang cầu nguyện dưới chân Mẹ. Tiếc nuối vì không thể chụp được một tấm ảnh ở giây phút đó, và cũng không biết sao những ngọn nến lại lung linh trong màn mưa nặng hạt như vậy?

Giữa thành phố xô bồ và ồn ã này, quảng trường nhỏ trước Nhà thờ Đức Bà như một khoảng lặng, một đối trọng níu giữ lòng người khỏi những tất tả vây quanh...