Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Rồi cũng chìm trôi...

Bất chợt nhớ một bài hát của Trịnh, rồi cũng chìm trôi. Bất chợt thấy chơi vơi vì phận người rồi cũng chìm trôi. Có lẽ tâm động vọng nhiều quá chăng, nên thèm một sáng Đà Lạt thanh bình, phố trời mờ sương trong cái lạnh cắt da... Nhiều lúc muốn thôi, nhiều khi muốn bỏ, nhiều lần muốn ngưng, nhưng rồi cứ bước. 

Cái tôi có nhỏ lại thì Chúa mới có nhiều chổ hơn trong lòng. Một máng cỏ lòng đơn sơ với vài cọng rơm yêu thương, vài cọng cỏ chia sẻ, có bình an hơn không?

Một ngày nào, không biết là một ngày nào, dấn bước hay dừng lại.  Thích bài "có đôi khi" của Lã Văn Cường

Ôi có đôi khi thèm như gió đi hoang
Sống kiếp lang thang, dạo chơi khắp núi rừng
Rũ lá rơi vàng, về thăm biển mênh mông
Vượt ngọn sóng dâng tràn
Ta là gió trên ngàn

Ôi phải chi ta là con suối sông kia
Sống kiếp giang hồ, dạo chơi hết bến bờ
Để có tiếng chim và em mãi ngây thơ
Ta đâu biết mong chờ
Ta thôi hết vật vờ

Ôi có đôi khi thèm như lúc tuổi thơ
Sáng sáng tung tăng, đùa vui hát vang lừng
Chẳng biết suy tư đời kia vấn vương gì
Rồi chiều tới mơ màng
Đợi chờ sáng tưng bừng

Ôi có đôi khi nằm nghe những cơn mưa
Muốn sống cô đơn cùng chăn ấm trong phòng
Chỉ thấy mái hiên và ta đứng co ro
Buồn nhả khói lên trời
Lòng nhịp rối tơi bời

Ôi có đôi khi thèm như những con chim
Cứ hót líu lo rồi tung cánh lên trời
Đến đến đảo hoang, tìm nơi vắng bóng người
Rồi cười nói một mình
Và lặng khóc một mình

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Những nấc thang yêu thương…

Sài Gòn một đêm tháng 11, cộng đoàn Giáo xứ Vườn Chuối quy tụ tại Nhà thờ chờ đợi giây phút lên đường đến với Mẹ Tà Pao, nhiều khuôn mặt mới, nhiều người chưa là con Chúa, nhưng tất cả đều chung một tâm nguyện hướng về Mẹ.

Hơn 9 giờ, chuyến xe đầu tiên bắt đầu xuất hành, Sài Gòn lùi dần về sau, nét tươi vui, hồ hởi cũng dần phai trên gương mặt mỗi người khi xe bắt đầu rời xa thành phố, giấc ngủ tạm đang kéo đến…

Đến 3 giờ sáng, vùng rừng núi Tánh Linh hãy còn tối mịch, nhìn xa xa thấp thoáng ánh sáng từ những hàng quán dọn khuya hai bên đường, báo hiệu chân núi Tà Pao đã ở ngay trước mắt.



Đường lên đỉnh núi nơi có tượng Mẹ hun hút cao, mờ ảo trong màn đêm, chút bí ẩn, chút huyền ảo như mời gọi mọi người dấn bước. Âm thanh lao xao của núi rừng chìm trong màn sương sớm sánh bước cùng tôi, xoa dịu những mệt mỏi sau một hành trình vật vờ, xoa dịu những bước chân nặng dần theo chiều cao của những bậc thang. Trong âm thanh lao xao đó, ẩn hiện xa gần những lời Kinh, vang vang như phát ra từ những khoảng tối dày đặc xung quanh, đỉnh núi đã gần kề…


Tôi không tưởng tượng được hình ảnh Thiên Thai đã níu chân Lưu Nguyễn ngày xưa, nhưng tôi đã cảm nhận không khí Thiên Thai khi đặt chân đến với tượng Mẹ. Không có tiếng hát Tiên nữ, cũng không có tiếng đàn xao xuyến thoảng trong gió. Cả một khoảng trời mênh mông mở ra trước mắt, chút se lạnh buổi mai, những làn sương mờ đục hòa quyện cùng hàng trăm con người đang thành kính đọc Kinh dưới chân Mẹ. Có đi, có sống trong không gian đó mới cảm nhận được không khí thánh thiện, bình an, một sự bình an thánh thiện không thể mua được bằng những của cải trần thế…

Ai đó âm thầm đếm những nấc thang khi lên đỉnh núi, để bước chân đỡ nặng nề hơn chăng? Tôi đã không kịp đếm phải qua bao nhiêu nấc thang để đến được bên Mẹ, nhưng tôi biết mỗi nấc thang đó là một lần tôi vứt bỏ những âu lo đang đè nặng trong tôi. Hành trang tôi mang đến với Mẹ đầy ắp những muộn phiền, là những vất vả lo toan, bao nỗi buồn vui thế thái. Hành trang Mẹ trao tặng lại cho tôi khi quay về chan chứa bình an, là tình yêu thương san sẻ trong tôi và mối liên kết với những người thân quen cũng như sơ giao. Mẹ trao tôi hình ảnh của một cụ ông hơn 80 tất tả lo toan cho đoàn, nâng niu từng bước đi của người bạn đời mình, để dạy tôi bài học sống động về yêu thương. Mẹ cho tôi chứng kiến hình ảnh những anh chị em, tuy chưa là con Chúa, nhưng đã hòa mình cùng mọi người dâng Mẹ lời Kinh…


Trở về Sài Gòn, có người nói vui rằng đoàn chúng tôi mang theo những thành viên mới, những anh chị em từ Giáo phận Phan Thiết, đó là Cha sở và giáo dân của Giáo xứ Bình An kiêm họ Đạo Đức Bà. Có ai ngờ một Giáo xứ nhỏ bé nhất Sài Gòn như Giáo xứ Vườn Chuối lại có dịp san sẻ với một Giáo xứ khác ở xa tận Phan Thiết? Có lẽ đó cũng là hành trang Mẹ Tà Pao muốn gởi riêng cho cộng đoàn chúng tôi nhân dịp hành hương này?


Tôi tin, Mẹ đã xây thêm những nấc thang nối kết mọi người chúng tôi với nhau, dù trong cùng một cộng đoàn hay cách xa vài trăm cây số. Những nấc thang không phải bằng đá như đường lên núi Tánh Linh, những nấc thang được Mẹ xây đắp bằng tinh thương trong Chúa, những nấc thang có thể kết nối mọi khoảng cách những ai cùng hướng tâm mình về Chúa. Đó là những nấc thang yêu thương…
Ngày 15.11.2010
Một thành viên của đoàn Hành hương

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Người chết nối linh thiêng vào đời...

Nhà nguyện ĐCV hôm nay (2.11.2010) thanh bình trong ánh nắng mai, lặng lẽ giữa khoảng sân mênh mông, trầm mặc và cách biệt với không khí hối hả, ồn ào của thành phố. Sáng nay, sau Thánh Lễ cầu nguyện cho các Đẳng Linh hồn, cộng đoàn Giáo xứ Vườn Chuối đã cùng đi viếng mộ Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, người Cha tinh thần của Giáo phận, và hài cốt các nhà truyền giáo người Pháp đã được di dời từ Lăng Cha Cả về đây…

Cảm giác đầu tiên của người tham dự khi bước chân vào Nhà nguyện là sự ngưng đọng của không gian và thời gian. Màu thời gian in dấu trên từng góc nhỏ, từng di tích, từ mái ngói nâu đen tới những kiến trúc thánh đường kiểu Gothique xưa cũ.

Ngay trong lòng cung thánh của nhà nguyện là mộ của Đức TGM Phaolô, còn cuối nguyện đường là những chiếc bình nhỏ đựng hài cốt của 85 vị thừa sai người Pháp và 2 linh mục Việt Nam (cha Triêu và cha Trâm). Không gian đó dẫn đưa ta quay về quá khứ, về những ngày đầu đất Sài Gòn-Gia Định hãy còn hoang sơ, để cảm nhận phần nào những nỗi truân chuyên, vất vả của các vị mục tử đã tình nguyện rời bỏ xứ sở của mình ra đi loan báo Tin Mừng cho người Việt. Chính các ngài đã đặt những viên đá đầu tiên cho tòa nhà Giáo hội tại Việt Nam, và để lại thân xác mình trên mảnh đất này…


Theo sự hướng dẫn của cha xứ, cộng đoàn cũng viếng mộ cha GB Hồ Văn Vui, linh mục Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm chánh sở Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn vào năm 1945. Sau đó đoàn tới viếng và dâng Kinh trước tượng đài Đức Mẹ Lộ Đức, nghe cha xứ nhắc lại những biến cố liên quan đến việc Đức Mẹ hiển thị cho thánh nữ Bernadette. Cộng đoàn cũng không quên cầu nguyện cùng Thánh cả Giuse, bổn mạng của Giáo hội tại Việt Nam…


Tạ ơn Chúa đã sắp đặt cho cộng đoàn chúng con một buổi viếng thăm đầy ý nghĩa, nhắc nhớ chúng con về những bước chân tiền nhân in dấu yêu thương trên con đường dấn thân loan báo Tin Mừng tại nơi đây. Chính các ngài là mối dây liên kết chúng con với Chúa, một sự nối kết linh thiêng giữa quá khứ với hiện tình Giáo xứ chúng con. Cầu mong các Ngài phù trợ cho công cuộc truyền giáo của Giáo xứ chúng con được diễn tiến tốt đẹp.

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Mừng ngân khánh Linh mục Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền chia sẻ tại Nhà thờ Vườn Chuối ngày 27.06.2010

25 năm Linh mục, một phần tư thế kỷ và có lẽ cũng gần một phần ba đời người...

Dù không có nhiều dịp tiếp xúc Cha trước đó, nhưng qua vài buổi học tại TTMV, tôi cảm nhận nơi Cha bầu nhiệt huyết loan báo Tin Mừng. Hình ảnh Chúa Giêsu qua những buổi dạy của Cha thật gần gũi, Chúa hiền từ như một người Cha luôn biết con mình dễ phạm lỗi, luôn khoan dung và biết trước những lỗi lầm của con cái mình, Chúa luôn mỉm cười và ngồi chờ ta đến để tha thứ...

Có lẽ tôi sẽ không quên được cảm xúc vui sướng và bất ngờ trong giây phút Cha xuất hiện trong Lễ hôn phối của mình, với tôi đó là một đặc ân và là một trong những viên đá xây nên con đường để chúng tôi bước đi trong hành trình phục vụ đền đáp tình yêu Chúa dành cho chúng tôi...

Con không biết chúc gì với Cha, và có lẽ Cha cũng không đọc được những dòng này. Con nhớ câu nói: "tình yêu phải được đáp trả bằng tình yêu", và tình yêu chúng con nhận được từ Chúa qua Cha, chúng con mong sẽ có nhiều người nữa cũng được như vậy. Nguyện chúc Cha được nhiều Hồng Ân và mãi bình an trong Chúa!

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Nhật ký hội chợ ẩm thực

Những ngày chuẩn bị...



Hihi, chú Lý có đệ tử rồi, thần tượng chú Lý lắm nha :)
                                                                                


Hội chợ hoành tráng nhất là cái bảng thực đơn








Đây là "Ông Đồ" của Giáo xứ Vườn Chuối






















Và đây là giờ phút vui chơi...

























































Trò chơi thảy vòng, thảy không vô vẫn ... có quà















Nhảy sạp, dìu đôi nhau nhảy mới ghê chứ, nhưng...



... bạn ra khỏi sạp rồi mà mình còn ở lại và ... té :)




























Khu quay số giữ kỷ lục đông khách, vì quay sao cũng ... có quà

Anh Chị này chọn món "1 + 1 = ..." nên âm thầm tách nhóm...















"Cô hàng bún" đói quá tự ... xử :)
















Vui mừng vì trúng thưởng lẫn không trúng gì















Tranh thủ chụp hình phút chót
















Hehe, có "Hòn vọng Thanh" xuất hiện ở Nhà thờ
Mọi việc rồi cũng hoàn tất...

Tháo ... cổng
Một hội chợ vui và đọng lại nhiều cảm xúc. Vui vì mọi người quy tụ bên nhau, Giới trẻ phát động nhưng các Hội đoàn hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình. Vui vì quy tụ nơi đây không phải chỉ có các bạn trẻ trong Xứ mà cả các bạn nhóm Phaolô, Don Bosco, Dòng Chúa Cứu Thế, và cả bà con lối xóm cũng tham gia... Có hội chợ mới thấy thương GXVC, chạnh lòng ao ước có được một khoảng sân riêng. Nhưng dường như chính trong không gian nhỏ bé, đơn sơ này tôi lại cảm nhận sự đồng tâm, gắn kết của mọi người, cảm nhận không khí ấm áp, chân tình khi cùng nhau chia sẻ những niềm vui. Dẫu còn nhiều thiếu sót, dẫu mệt mỏi rã rời, nhưng bù lại là tình yêu thương lan tỏa, gắn kết chúng tôi với nhau, và quan trọng, tôi thấy lóe lên những hy vọng về một con đường, con đường để Giới trẻ Giáo xứ dấn thân, ra đi để phục vụ tha nhân nhiều hơn...

Nguyện xin Chúa chúc lành và nâng đỡ những tấm lòng của các bạn trẻ nơi Giáo xứ con! 

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

“NỐI VÒNG TAY LỚN”: Hội chợ ẩm thực - Giao lưu giới trẻ 24.10.2010

Nhân ngày Thế giới truyền giáo 2010, Ban Mục vụ Giới trẻ Giáo xứ tổ chức buổi giao lưu với giới trẻ giáo xứ Phaolô (Lê Hồng Phong-Quận 10), giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp (DCCT) và các bạn Sinh viên Don Bosco, qua Hội chợ ẩm thực mang chủ đề "Nối vòng tay lớn".


1. Mục đích:
- Giao lưu với giới trẻ giáo xứ bạn.
- Kiến tạo sân chơi cho các bạn trẻ trau dồi kỹ năng sinh hoạt và nhân bản.
- Xây đắp tình thân và tinh thần phục vụ giữa anh chị em trong giáo xứ với nhau
- Xây dựng bầu khí ấm cúng, mang niềm vui và sự phục vụ tận tâm đến với các bạn trẻ tham gia hội chợ.
- Gây quỹ cho phong trào giới trẻ Vườn Chuối

2. Thành phần (chính yếu):
- Giới trẻ giáo xứ Vườn Chuối
- Giới trẻ giáo xứ Phaolô - Lê Hồng Phong Quận 10
- Sinh viên Don Bosco
- Giới trẻ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp (DCCT)

3. Thời gian: từ 18g30 đến 21g00: Linh mục sẽ khai mạc hội chợ cuối thánh lễ giới trẻ bắt đầu lúc 17g30


Nguyện xin Chúa cho Hội chợ sẽ diễn ra suông sẻ trong bầu khí yêu thương chia sẻ!

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Kỹ thuật viết tin

Hôm nay nghe một bài giảng về bố cục, các kỹ thuật viết tin, những ví dụ phân tích,... làm mình ít nhiều có những băn khoăn, cảm giác những gì thầy phân tích không được thuyết phục. Bây giờ thì ngộ ra, điểm khác biệt nằm ở mục đích truyền tải của bản tin. Đành rằng phải có các kỹ năng cơ bản để tránh những sai sót về bố cục, về lỗi câu, cách trình bày,... nhưng điều quan trọng nhất là đối tượng mình hướng tới khi viết một bản tin. Ai nói rằng một bài giảng Lễ của một Linh Mục hay Đức Cha chỉ có những người quen biết quan tâm? Có thể một bài giảng Lễ của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm dài hàng giờ, viết tóm tắt ý cũng vài trang A4, nhưng tôi tin rất nhiều người Công Giáo sẽ ngấu nghiến đọc, đơn giản vì họ tìm thấy nơi đó những giáo huấn từ Chúa Giêsu được Đức Cha chuyển tải cho Giáo dân. Tôi cũng chắc rằng một bài chúc Tết chỉ vài phút của lãnh đạo VN cũng chẳng mấy ai muốn nghe, kể cả cán bộ thuộc cấp. Vậy mới biết điều gắn kết mỗi Kitô Hữu là Chúa Giêsu...

Dù sao, tôi vẫn thích và nhớ mãi câu nói của Cha Vũ Hữu Hiền, chúng ta làm "truyền thông trong Chúa và với Chúa". Khi đặt nặng cái tôi hay các kỹ thuật nhiều quá mà quên đi tôn chỉ này, có lẽ ý nghĩa của việc dùng truyền thông để loan báo Tin Mừng cũng không còn nữa.

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

Chiếc mặt nạ...

Hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người (Lc 11, 41)

Miền Trung đang lũ...

Mỗi năm mưa lũ cứ kéo về, năm sau nặng nề hơn năm trước. Người Sài Gòn đã chỉ mới "sống chung với lũ" vài giờ khi đường sá ngập lụt đã cảm thấy khó chịu, đã rên la, chửi rủa (mà chửi rủa cũng đúng, toàn là những chuyện do con người gây ra). Có vậy mới thấy thương người dân miền Trung, phải dầm mình trong lũ, sống trong lũ và cả chôn cất người chết trong lũ.
Người Việt ta có tính hợp quần cao (nhưng tính cộng đồng thì phải xem lại), cứ đâu có hoạn nạn, người dân lại sẵn sàng chung tay đóng góp. Những tấm lòng vì đồng bào có lẽ không thiếu trong xã hội này. Nhưng điều gì cũng có mặt trái của nó? Đóng góp là từ tâm, có ai dí súng vào đầu để bắt đi đóng góp đâu mà có những đơn vị mang sữa quá hạn, gạo mốc,... theo đúng phải hủy để đi cứu trợ? Vừa đỡ tốn tiền tiêu hủy, vừa được tiếng làm từ thiện ư? Có lẽ Lời Chúa chưa đến với họ, để họ biết việc bố thí phải khởi đi từ tâm, không phải từ những hình thức rình rang đó.
Con người bây giờ dường như ai cũng đeo mặt nạ khi sống, đôi khi giữa hai người bạn mà có tới 3-4 "người", vì mỗi người bận mang một chiếc mặt nạ của mình. Mặt nạ của sự hào nhoáng, mặt nạ của sự khoa trương, của sự dửng dưng khinh khỉnh, mặt nạ của sự khép kín vô cảm,... Ai biết được đeo mặt nạ lâu quá lại không muốn gỡ bỏ nó, ngay cả khi đối diện với chính mình?

Thèm có một không gian yên tĩnh, để suy niệm, để tìm ra chiếc mặt nạ mình đang đeo, mà ai biết được khi bỏ nó ra mình lại thấy thoải mái hơn thì sao?

Chắc tại trời mưa...














Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Sự trái ngược

"Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại" (Lc 14,12-14)

= = = = =

Xem 2 tờ báo, thấy 2 hình ảnh trái ngược nhau, một bên hội hè vui vẻ, một bên lam lũ lầm than. Cũng không biết phải nói gì, phú quý sinh lễ nghĩa vậy, trời bắt chi miền Trung phải lũ lụt mỗi năm, cái nghèo đeo đẳng...


Nguồn: Tuoitre & Vietnamnet

Nguồn: Tuoitre & Vietnamnet

Nguồn: Tuoitre & Vietnamnet

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Tiếng đóng cửa...

"Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án" (Lc 6,37)

Hàng ngày có biết bao nhiêu chuyện làm ta bực mình, khó chịu, cau có và sẵn sàng bày tỏ thái độ không vừa ý. Có lẽ là do nhịp sống hối hả cùng môi trường sống ồn ào, ô nhiễm? 

Vừa đọc được một câu chuyện hay, giật mình vì đã bao lần mình cũng bực mình, phán xét và hành xử như vậy mà không biết và không cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa ở phía sau những chuyện làm mình khó chịu. Nhớ câu hát của Trịnh "làm sao hiểu từng nổi đời riêng, để yêu thêm yêu cho nồng nàn...", yêu đây là yêu thương đồng loại...

= = = = = = = = = =

Tôi chuyển nhà đến nơi ở mới không bao lâu, cứ mỗi ngày vào lúc trời gần sáng ở lầu trên vang ra tiếng đóng cửa rất mạnh, và kế tiếp là âm thanh của một tràng tiếng chân bước đi ting ting tang tang.

Những ngày kế tiếp, tiếng đóng cửa cũng đúng giờ ấy vang lên khiến tôi không sao chịu nổi, chẳng lẽ phải lên lầu để tranh luận. Mẹ tôi khuyên:

- Chúng ta mới chuyển đến. Con làm như vậy, có thể hơi thiếu suy nghĩ và dễ làm mất lòng hàng xóm.

Tôi suy nghĩ hoài và hỏi ý kiến mẹ:

- Vậy thì chúng ta đi tìm trưởng dân phố, thử xin cô ấy giúp được không? - Mẹ tôi đồng ý.

Cô trưởng dân phố nghe chúng tôi trình bày xong thì khuyên nhủ và an ủi tôi rằng:

- Chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa của gia đình bất hạnh đó một thời gian. Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, nằm dài trên giường không đi lại được. Tôi đoán, tiếng đóng cửa đó là của đứa con. Nghĩ lại cũng thật đáng thương, xin chị khoan dung cho!

Đúng vậy, cậu ta khoảng 16,17 tuổi, trông thật thông minh. Tôi tự nhủ: “Phải cố chịu đựng thôi”.

Mấy ngày sau tiếng đóng cửa vẫn cứ như vậy, và rốt cuộc, tôi đành lên gõ cửa căn hộ nọ. Cậu bé đó ra mở cửa, hốt hoảng run cầm cập, xin lỗi tôi:

- Dì! Cháu xin lỗi. Sau này, cháu sẽ ráng cẩn thận...

Tối hôm sau, tôi vừa thiu thiu an giấc thì tiếng đóng cửa quen thuộc đó lại vang lên đập mạnh vào tai nghe chát chúa. Mẹ tôi an ủi:

- Nhẫn đi con, có lẽ thằng bé đã thành thói quen. Từ từ rồi nó sẽ sửa đổi.

Mấy ngày kế tiếp, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đó biến mất. Tôi nằm trên dường nín thở lắng tai nghe, tiếng chân cũng nhỏ đi nhiều, bước đi nhè nhẹ xem ra rất cẩn thận.

- Mẹ! Mẹ nói thật đúng! - Tôi vừa dứt lời, hai mắt mẹ tôi bỗng nhiên ngấn lệ. Bà ngẹn ngào nói:

- Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi. Mấy ngày qua, thằng bé ban ngày đi học, ban đêm đến quán ăn chạy bàn. Nó đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn mất...

Một tối nọ, bất ngờ tôi gặp cậu bé ấy ở cầu thang của dãy lầu. Nó cúi thấp đầu đau buồn bước đến gần tôi, nói:

- Dì! Chắc dì bị mất ngủ nhiều, mấy ngày trước, cháu làm ảnh hưởng giấc ngủ của dì, thật là có lỗi -  Một lát sau, cậu bé nói như run lên:

- Tiếng đóng cửa mạnh như vậy là do cháu cố ý. Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, khả năng nghe kém dần, cháu đóng cửa mạnh là muốn để mẹ biết được con mình đã về mà yên tâm đi vào giấc ngủ. Sau này, sẽ không còn nữa đâu...

Cậu bé nói gì?! Tôi như không nghe được nữa. Lệ từ hai khóe mắt tôi cứ tuôn trào...
(http://gxvuonchuoi.net/Home/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1177)