Hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người (Lc 11, 41)
Miền Trung đang lũ...
Mỗi năm mưa lũ cứ kéo về, năm sau nặng nề hơn năm trước. Người Sài Gòn đã chỉ mới "sống chung với lũ" vài giờ khi đường sá ngập lụt đã cảm thấy khó chịu, đã rên la, chửi rủa (mà chửi rủa cũng đúng, toàn là những chuyện do con người gây ra). Có vậy mới thấy thương người dân miền Trung, phải dầm mình trong lũ, sống trong lũ và cả chôn cất người chết trong lũ.
Người Việt ta có tính hợp quần cao (nhưng tính cộng đồng thì phải xem lại), cứ đâu có hoạn nạn, người dân lại sẵn sàng chung tay đóng góp. Những tấm lòng vì đồng bào có lẽ không thiếu trong xã hội này. Nhưng điều gì cũng có mặt trái của nó? Đóng góp là từ tâm, có ai dí súng vào đầu để bắt đi đóng góp đâu mà có những đơn vị mang sữa quá hạn, gạo mốc,... theo đúng phải hủy để đi cứu trợ? Vừa đỡ tốn tiền tiêu hủy, vừa được tiếng làm từ thiện ư? Có lẽ Lời Chúa chưa đến với họ, để họ biết việc bố thí phải khởi đi từ tâm, không phải từ những hình thức rình rang đó.
Con người bây giờ dường như ai cũng đeo mặt nạ khi sống, đôi khi giữa hai người bạn mà có tới 3-4 "người", vì mỗi người bận mang một chiếc mặt nạ của mình. Mặt nạ của sự hào nhoáng, mặt nạ của sự khoa trương, của sự dửng dưng khinh khỉnh, mặt nạ của sự khép kín vô cảm,... Ai biết được đeo mặt nạ lâu quá lại không muốn gỡ bỏ nó, ngay cả khi đối diện với chính mình?
Thèm có một không gian yên tĩnh, để suy niệm, để tìm ra chiếc mặt nạ mình đang đeo, mà ai biết được khi bỏ nó ra mình lại thấy thoải mái hơn thì sao?
Chắc tại trời mưa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét