Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Những nấc thang yêu thương…

Sài Gòn một đêm tháng 11, cộng đoàn Giáo xứ Vườn Chuối quy tụ tại Nhà thờ chờ đợi giây phút lên đường đến với Mẹ Tà Pao, nhiều khuôn mặt mới, nhiều người chưa là con Chúa, nhưng tất cả đều chung một tâm nguyện hướng về Mẹ.

Hơn 9 giờ, chuyến xe đầu tiên bắt đầu xuất hành, Sài Gòn lùi dần về sau, nét tươi vui, hồ hởi cũng dần phai trên gương mặt mỗi người khi xe bắt đầu rời xa thành phố, giấc ngủ tạm đang kéo đến…

Đến 3 giờ sáng, vùng rừng núi Tánh Linh hãy còn tối mịch, nhìn xa xa thấp thoáng ánh sáng từ những hàng quán dọn khuya hai bên đường, báo hiệu chân núi Tà Pao đã ở ngay trước mắt.



Đường lên đỉnh núi nơi có tượng Mẹ hun hút cao, mờ ảo trong màn đêm, chút bí ẩn, chút huyền ảo như mời gọi mọi người dấn bước. Âm thanh lao xao của núi rừng chìm trong màn sương sớm sánh bước cùng tôi, xoa dịu những mệt mỏi sau một hành trình vật vờ, xoa dịu những bước chân nặng dần theo chiều cao của những bậc thang. Trong âm thanh lao xao đó, ẩn hiện xa gần những lời Kinh, vang vang như phát ra từ những khoảng tối dày đặc xung quanh, đỉnh núi đã gần kề…


Tôi không tưởng tượng được hình ảnh Thiên Thai đã níu chân Lưu Nguyễn ngày xưa, nhưng tôi đã cảm nhận không khí Thiên Thai khi đặt chân đến với tượng Mẹ. Không có tiếng hát Tiên nữ, cũng không có tiếng đàn xao xuyến thoảng trong gió. Cả một khoảng trời mênh mông mở ra trước mắt, chút se lạnh buổi mai, những làn sương mờ đục hòa quyện cùng hàng trăm con người đang thành kính đọc Kinh dưới chân Mẹ. Có đi, có sống trong không gian đó mới cảm nhận được không khí thánh thiện, bình an, một sự bình an thánh thiện không thể mua được bằng những của cải trần thế…

Ai đó âm thầm đếm những nấc thang khi lên đỉnh núi, để bước chân đỡ nặng nề hơn chăng? Tôi đã không kịp đếm phải qua bao nhiêu nấc thang để đến được bên Mẹ, nhưng tôi biết mỗi nấc thang đó là một lần tôi vứt bỏ những âu lo đang đè nặng trong tôi. Hành trang tôi mang đến với Mẹ đầy ắp những muộn phiền, là những vất vả lo toan, bao nỗi buồn vui thế thái. Hành trang Mẹ trao tặng lại cho tôi khi quay về chan chứa bình an, là tình yêu thương san sẻ trong tôi và mối liên kết với những người thân quen cũng như sơ giao. Mẹ trao tôi hình ảnh của một cụ ông hơn 80 tất tả lo toan cho đoàn, nâng niu từng bước đi của người bạn đời mình, để dạy tôi bài học sống động về yêu thương. Mẹ cho tôi chứng kiến hình ảnh những anh chị em, tuy chưa là con Chúa, nhưng đã hòa mình cùng mọi người dâng Mẹ lời Kinh…


Trở về Sài Gòn, có người nói vui rằng đoàn chúng tôi mang theo những thành viên mới, những anh chị em từ Giáo phận Phan Thiết, đó là Cha sở và giáo dân của Giáo xứ Bình An kiêm họ Đạo Đức Bà. Có ai ngờ một Giáo xứ nhỏ bé nhất Sài Gòn như Giáo xứ Vườn Chuối lại có dịp san sẻ với một Giáo xứ khác ở xa tận Phan Thiết? Có lẽ đó cũng là hành trang Mẹ Tà Pao muốn gởi riêng cho cộng đoàn chúng tôi nhân dịp hành hương này?


Tôi tin, Mẹ đã xây thêm những nấc thang nối kết mọi người chúng tôi với nhau, dù trong cùng một cộng đoàn hay cách xa vài trăm cây số. Những nấc thang không phải bằng đá như đường lên núi Tánh Linh, những nấc thang được Mẹ xây đắp bằng tinh thương trong Chúa, những nấc thang có thể kết nối mọi khoảng cách những ai cùng hướng tâm mình về Chúa. Đó là những nấc thang yêu thương…
Ngày 15.11.2010
Một thành viên của đoàn Hành hương

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Người chết nối linh thiêng vào đời...

Nhà nguyện ĐCV hôm nay (2.11.2010) thanh bình trong ánh nắng mai, lặng lẽ giữa khoảng sân mênh mông, trầm mặc và cách biệt với không khí hối hả, ồn ào của thành phố. Sáng nay, sau Thánh Lễ cầu nguyện cho các Đẳng Linh hồn, cộng đoàn Giáo xứ Vườn Chuối đã cùng đi viếng mộ Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, người Cha tinh thần của Giáo phận, và hài cốt các nhà truyền giáo người Pháp đã được di dời từ Lăng Cha Cả về đây…

Cảm giác đầu tiên của người tham dự khi bước chân vào Nhà nguyện là sự ngưng đọng của không gian và thời gian. Màu thời gian in dấu trên từng góc nhỏ, từng di tích, từ mái ngói nâu đen tới những kiến trúc thánh đường kiểu Gothique xưa cũ.

Ngay trong lòng cung thánh của nhà nguyện là mộ của Đức TGM Phaolô, còn cuối nguyện đường là những chiếc bình nhỏ đựng hài cốt của 85 vị thừa sai người Pháp và 2 linh mục Việt Nam (cha Triêu và cha Trâm). Không gian đó dẫn đưa ta quay về quá khứ, về những ngày đầu đất Sài Gòn-Gia Định hãy còn hoang sơ, để cảm nhận phần nào những nỗi truân chuyên, vất vả của các vị mục tử đã tình nguyện rời bỏ xứ sở của mình ra đi loan báo Tin Mừng cho người Việt. Chính các ngài đã đặt những viên đá đầu tiên cho tòa nhà Giáo hội tại Việt Nam, và để lại thân xác mình trên mảnh đất này…


Theo sự hướng dẫn của cha xứ, cộng đoàn cũng viếng mộ cha GB Hồ Văn Vui, linh mục Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm chánh sở Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn vào năm 1945. Sau đó đoàn tới viếng và dâng Kinh trước tượng đài Đức Mẹ Lộ Đức, nghe cha xứ nhắc lại những biến cố liên quan đến việc Đức Mẹ hiển thị cho thánh nữ Bernadette. Cộng đoàn cũng không quên cầu nguyện cùng Thánh cả Giuse, bổn mạng của Giáo hội tại Việt Nam…


Tạ ơn Chúa đã sắp đặt cho cộng đoàn chúng con một buổi viếng thăm đầy ý nghĩa, nhắc nhớ chúng con về những bước chân tiền nhân in dấu yêu thương trên con đường dấn thân loan báo Tin Mừng tại nơi đây. Chính các ngài là mối dây liên kết chúng con với Chúa, một sự nối kết linh thiêng giữa quá khứ với hiện tình Giáo xứ chúng con. Cầu mong các Ngài phù trợ cho công cuộc truyền giáo của Giáo xứ chúng con được diễn tiến tốt đẹp.